Phân bón thực chất là thức ăn cho cây cung cấp cho cây các nguyên tố cần thiết cho sự phát triển của chúng. Chúng ta sẽ phân tích lần lượt các loại phân bón có ảnh hưởng thế nào đến cây lan nhé.
Phân vô cơ
Chắc hẳn các bác tìm hiểu phân bón cho lan thắc mắc phân NPK là gì, Phân đa lương, trung lượng, vi lượng là gì. Hiểu nôm na phân NPK là phân tổng hợp đầy đủ các nguyên tố cần thiết cho cây lan phát triển. Còn trên thị trường có vô vàn các loại NPK khác nhau.
Để hiểu rõ hơn chúng ta cùng đi sâu vào từng nguyên tố nhé. Hơi dài một chút cố gắng đọc các bác nha. Đọc để hiểu hơn, chăm sóc các em lan tốt hơn. Tốt cho mình thôi mà.
Đa lượng: N(ni-tơ hay đạm), P(Phốt-pho hay lân), K(Kali).
Đạm(N): Có tác dụng tạo thân từ mầm, tạo lá, tạo diệp lục để lá xanh tốt. Cây dư đạm ngọn sẽ yếu, lá rủ.
Lân(P): Có tác dụng làm cây ra rễ, ra chồi, ra hoa. Nếu cây yếu, lá xanh ngắt hoặc vàng thì cung cấp lân cây cứng lá.
Mùa nắng tăng cường đạm, mùa mưa bớt đạm đi. Giao mùa tăng cường lân để cây tăng sức đề kháng.
Kali(K): Có tác dụng tạo mùi thơm, tạo đường, tạo sắc tố, tạo xơ, dài ngồng hoa.
Kali có một sức manh diệu kỳ đó là hút nước đẩy lên ngọn trong vòng 30 giây. Vào mùa nắng nóng, lạnh giá cần bổ xung kali để cây tăng sức chịu hạn.
Trung lượng: Mg(Ma-giê), S(lưu huỳnh), Ca(Can-xi).
Ca(Can-xi): Tác dụng phát triển rễ, phát triển mô xốp của rễ. Ca có thể tưới chung với Đạm làm cứng bông, ngồng hoa khỏe. Ca làm hạ phèn tăng pH.
Mg(Ma-giê)&S(Lưu huỳnh): Hai nguyên tố này đi cùng nhau. Có tác dụng vận chuyển thức ăn cho cây.
Vi lượng: Fe(Sắt), Cu(Đồng), Mn(Man-gan), Zn(Kẽm), B(Bo), Mo(Mo-lip-den), Cl(Clo)….
Fe(Sắt): Bảo vệ diệp lục, tái tạo diệp lục, tăng sắc tố. Bệnh bạc lá do thiếu sắt. Muốn hoa đậm màu thì cần bổ xung thêm sắt.
Cu(Đồng): Chống rét, tái tạo diệp lục, giúp cây tiêu thụ đạm. Trước khi vào mùa lạnh cần bổ xung Đồng để cây chống chịu rét.
Mn+Zn: Ví như người bảo vệ bên trong lá.
Bo: Cây có bông đi theo phát hoa cùng với Kali đẩy phân lên cho phát triển hết kết cấu ngồng hoa. Hiểu nôm na là ngồng hoa sẽ phát triển đầy đủ chiều dài lẫn số bông trên ngồng đó. Ảnh hưởng rất nhiều đến hoa. Bệnh gù đọt là do thiếu Bo;
Mo: Molipden cũng cần thiết cho việc chuyển hóa Lân từ dạng vô cơ sang hữu cơ trong cây.
Trên thị trường có một số loại phân bón như NPK 30-10-10, 6-30-30, 19-31-17, 10-55-10, 10-52-17,… các chỉ số đo ứng với Đạm-Lân-Kali. Cần bón phân có nhiều đạm thì chọn loại có chỉ số đạm cao. Dùng trong kích hoa chọn loại có chỉ số lân cao như 6-30-30.
Nên dùng loại phân bón có thêm chữ TE, hoặc ME như sau. NPK+TE, hoặc NPK+ME. TE và ME ở đây là các thành phần trung vi lượng được tích hợp cùng với đạm lân và kali.
Ngoài ra có một số loại phân bón mà mọi người ít để ý đến như:
- Phân 13-0-46(KNO3) phân có lượng kali cao có tác dụng chống hạn cho cây, bổ xung những ngày hè nắng nóng, mùa khô miền nam hay mùa đông miền bắc. Khắc phục tình trạng thiếu Kali cho cây lan.
- Phân Can-xi Ni-trat( Ca(NO3)2 ), Can xi đi cùng với đạm giúp rễ cây phân nhánh như xương cá. Từ đó tăng khả năng hút nước và chất dinh dưỡng cho cây.
- Phân Ma-giê Sun-phát (MgSO4), hai nguyên tố trung lượng mà cây cần, giúp vận chuyển thức ăn lên ngọn cây. Cây đang phát triển mà thấy ngừng lại một cách bất thường thì có thể bổ xung phân này để cho cây đi ngọn bình thường.
Phân hữu cơ
Phân hữu cơ là hợp chất hữu cơ dùng làm trong nông nghiệp, hình thành từ phân động vật, lá và cành cây, than bùn, hay các chất hữu cơ khác thải loại từ nhà bếp. Phân bón giúp tăng thêm độ màu mỡ, độ tơi xốp cho đất bằng cách cung cấp thêm các chất hữu cơ, chất mùn và bổ dưỡng.
Phân hữu cơ thường dùng cho hoa lan như phân cá, phân bánh dầu, phân hữu cơ làm từ tôm, rong biển….
Phân hữu cơ chứa đầy đủ các nguyên tố đa trung vi lượng, mà còn có thêm các axit amin, các vitamin, axit humic, fulvic. Các dưỡng chất này có rất nhiều tác dụng như làm tăng quá trình phát triển bộ rễ, tăng quá trình phát triển diệp lục, cải tạo giá thể….Viết một bài mới khác hết được công dụng của chúng.
Dễ dàng tự làm phân hữu cơ
Nước vo gạo để trong, nước trà xanh uống hằng ngày, nước luộc vỏ trứng, nước luộc vỏ chuối để là những phân hữu cơ rất tốt cho cây lan. Rất dễ làm hầu như nhà nào chẳng có. Sữa tươi cũng có thể tưới cho lan được, trong sữa tươi có đầy đủ dưỡng chất mà cây lan cần, nhưng hàm lượng ở mức nhỏ, tính kinh tế không cao. Chơi một vài giò thì tưới sữa tươi pha loãng còn được.
Cả hai cùng kết hợp
Trong quá trình chăm sóc hoa lan, ta nên kết hợp cả hai loại phân bón vô cơ và hữu cơ để đạt hiệu quả cao nhất. Phân vô cơ thúc đẩy cây lớn nhanh phát triển chiều dài nhưng kém bền, bón nhiều cây sẽ bị chai. Khả năng hấp thụ phân sẽ kém đi. Để bù đắp thì ta kết hợp bón thêm phân hữu cơ, giúp cây khỏe mạnh phát triển bề ngang, cây mập hơn chống chịu nấm bệnh thời tiết tốt hơn. Trong y học có câu “Đông tây y kết hợp”, còn chúng ta là “Hữu vô cơ kết hợp”.
Biết về phân bón rồi mà không biết tưới phân thế nào thì vẫn chưa biết cách trồng và chăm sóc hoa lan.
Nên xem ngay Tưới phân đúng cách
Có những nội dung này làm cơ sở các bác sẽ hiểu hơn về phân bón từ đó sẽ chủ động lựa chọn được các loại phân bón để dùng.
Hẹn các bác ở những bài sau. Xin chào và hẹn gặp lại.